[Hoclamgiau.vn] Đi chung giá triệu USD?

Từ khi con người sáng tạo ra ô tô, người ta đã nghĩ ra cách để đi chung xe với nhau. Tuy nhiên, gần đây những ứng dụng về công nghệ, di động mới giúp mọi người đi chung xe thuận tiện và văn minh hơn.

Tự nhận doanh nghiệp còn non trẻ so với các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, Dichung.vn được phát triển và vận hành bởi Công ty Cổ phần Đi Chung, một doanh nghiệp xã hội được thành lập với định hướng sử dụng công nghệ để góp phần giải quyết một số các vấn đề nhức nhối của xã hội như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường,…

CEO Dichung.vn:
Anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Đi Chung chia sẻ câu chuyện đi chung xe

Mời bạn đọc lắng nghe chia sẻ của anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Đi Chung để hiểu rõ hơn câu chuyện khởi nghiệp và những giá trị tốt đẹp mà doanh nghiệp này mang đến cho xã hội.

Anh nghĩ đến câu chuyện đi chung xe từ khi nào?

Tôi bắt đầu dự án từ việc nhìn nhận thị trường nhiều hơn là thích một ý tưởng nào đấy. Ban đầu do làm tài chính, hay đi lại giữa Hà Nội và Hải Phòng. Nhận thấy những chỗ trống trên xe hơi phí, do có đầu óc của một người làm tài chính nên tôi muốn tối ưu hóa việc đấy. Nếu mở ra được một cái chợ, giúp khách hàng tiết kiệm được 10 đồng, họ sẽ sẵn sàng trả mình 1 đồng.

Sau một thời gian lên mạng nghiên cứu các sản phẩm trên thế giới kết hợp với các điều kiện ở Việt Nam, tôi đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên. Khi đó, tôi quyết theo hướng doanh nghiệp xã hội và từ bỏ công việc thu nhập cao để khởi nghiệp với dự án này.

Hơn nữa, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống hằng ngày, nhất là người dân sống ở nội thành Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi muốn góp một phần nhỏ vào việc giải quyết vấn đề này thông qua mô hình đi chung xe. Giá trị của giải pháp này giúp mọi người tham gia tiết kiệm chi phí đi lại vì đơn giản nếu đi chung với nhau, tiền xăng xe có thể được chia cho mọi người.

Trên thế giới, có rất nhiều mô hình đi xe chung như Covoiturage (Pháp) và Bla Bla Car (châu Âu) đã thành công. Tuy nhiên, về đến Việt Nam, chúng tôi phải điều chỉnh rất nhiều mô hình này để phù hợp với đặc điểm văn hóa, đặc thù về kinh tế xã hội.

Khó khăn, thách thức của mô hình đi chung xe là gì và anh đã giải quyết những vấn đề đó thế nào?

Khi phát triển mô hình này, chúng tôi đã gặp phải thách thức lớn về vấn đề văn hóa. Ban đầu, mọi người đều ngại ngần vì nghĩ đến chuyện đi với một người lạ sẽ cảm thấy không được an toàn. Chúng tôi đã tìm nhiều cách khác nhau từ việc giúp mọi người vượt qua trở ngại trước khi đi lại với nhau, đến đi chung có thuận tiện không và thanh toán với nhau thế nào.

Hiện tại, chúng tôi đã tìm kiếm rất nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. Mô hình ở Pháp được set-up năm 2004, nhưng đến năm 2010 mới thu được thành công. Như vậy, phải mất 6 năm, trải qua nhiều thất bại họ mới điều chỉnh sản phẩm phù hợp với người sử dụng.

Ở Việt Nam, rất may mắn chúng tôi đã tìm được cách giải quyết những vấn đề đó bằng cách tập trung vào một thị trường đơn giản hơn, đó là đi chung ra sân bay. Đoạn đường này khớp cao và vấn đề an toàn được đảm bảo hơn rất nhiều so với chia sẻ cá nhân.

Chúng tôi cũng đồng thời phát triển chia sẻ các phương tiện cá nhân, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng trong khoảng 2-3 năm nữa mới hình thành được văn hóa đó ở Việt Nam, chứ để thay đổi văn hóa đi lại không đơn giản.

CEO Dichung.vn:
Anh Nguyễn Thành Nam: "Ở Việt Nam có khoảng 40 triệu xe lưu hành trên đường gồm xe máy, ô tô. Nếu ở nước ngoài chỉ hỗ trợ giải pháp đi chung ô tô, chúng tôi hỗ trợ cả xe máy, taxi. Riêng thị trường taxi đã đáng giá tầm trăm triệu đô rồi".

Sau khi từng bước tháo gỡ những trở ngại, anh thấy mọi người có sẵn lòng dùng dịch vụ đi chung không?

Theo khảo sát của chúng tôi, mọi người rất sẵn lòng sử dụng dịch vụ nếu chúng tôi giải quyết được vấn đề an toàn. Giải pháp này cũng rất thú vị, bởi đi với nhau vừa tiết kiệm được tiền, vừa có những tương tác xã hội tích cực.

Khách hàng của anh thường đi chung xe trong những trường hợp nào?

Một số trường hợp có thể đi chung xe như đến trường, nơi làm việc, về quê, du lịch, sân bay. Chúng tôi cố gắng sử dụng mạng xã hội, mạng di động để có thể đưa dịch vụ đến số đông người dùng.

Ban đầu chúng tôi không làm gì quá rộng, mà chẻ nhỏ thị trường: phân loại thị trường, thị trường nào dễ làm trước. Ví dụ thị trường đi chung xe rất rộng lớn: đi du lịch, đi làm, về quê… nhưng chúng tôi chọn thị trường đi chung xe taxi trước. Tốt nhất làm nhỏ thôi và tập trung tất cả nguồn lực của mình để giải quyết các vấn đề ở phân khúc đấy. Khi có nguồn lực nhất định, chúng tôi sẽ mở rộng dần ra. Nếu tập trung vào một thị trường quá lớn sẽ không đủ nguồn lực để theo đuổi.

Anh có thể chia sẻ cụ thể cách kiếm tiền của Đi Chung?

Chúng tôi chia sẻ trên nền tảng C2C (customer to customer), tức là mọi người mua bán chỗ trống trên xe của mình thông qua một “cái chợ” để mọi người mua bán chỗ trống đấy. Nếu về quê, anh chị có thể bán chỗ trống đấy cho người khác để giảm tiền xăng xe.

Cách thứ hai, chúng tôi kết hợp với các hãng vận tải như kết hợp với công ty taxi của Vietnam Airlines để cung cấp dịch vụ đi chung ra sân bay. Đây là một dịch vụ rất đơn giản, mọi người không cần tìm người đi chung mà hãng sẽ làm việc đấy. Khách hàng cứ đăng ký là được phục vụ. Bình thường anh chị ra sân bay hết 230.000 đồng chẳng hạn, sử dụng dịch vụ của chúng tôi chỉ hết 150.000 thôi. Đây là loại hình dịch vụ chúng tôi gọi là “business to customer”.

Anh đã nhận được sự trợ giúp, tư vấn từ các cơ quan nào khi khởi sự doanh nghiệp xã hội?

Khi khởi sự doanh nghiệp, chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị. CSIP (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng) là đơn vị hỗ trợ chúng tôi tài chính và phi tài chính từ lúc thành lập đến giờ.

Chúng tôi cũng rất vinh dự được là trong 1 trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nhận giải doanh nghiệp vì môi trường của Liên Hợp Quốc năm 2013.

Nhóm chúng tôi chỉ gồm những bạn làm công nghệ còn rất trẻ, tầm 6 người.

Anh tổ chức nhân sự vận hành dự án này thế nào?

Để duy trì đội ngũ, rõ ràng việc tuyển chọn nhân sự, ngoài yếu tố đảm bảo về mặt chuyên môn, họ phải có niềm đam mê đóng góp cho xã hội. Tuyển nhân sự phải hội tụ đủ hai tiêu chí ấy.

Mình còn nhớ câu nói của cựu Thủ tướng nước Anh, một quốc gia có phong trào doanh nghiệp xã hội rất phát triển. Đại ý, quản lý giao thông không có nghĩa là bắt mọi người phải hy sinh phương tiện cá nhân để dùng những phương tiện công cộng. Phải có cách nào đấy để di chuyển một cách thông minh và tinh tế hơn. Đi Chung là một trong những cách đấy. Khi tham gia vào công ty, mọi người sẽ là cổ đông của công ty và là đồng nghiệp của mình.

Anh đánh giá thế nào về thị trường của Đi Chung trong “miếng bánh” kinh doanh chia sẻ ở Việt Nam hiện nay?

Thị trường thực sự rất rộng. Ở Việt Nam có khoảng 40 triệu xe lưu hành trên đường gồm xe máy, ô tô. Nếu ở nước ngoài chỉ hỗ trợ giải pháp đi chung ô tô, chúng tôi hỗ trợ cả xe máy, taxi. Riêng thị trường taxi đã đáng giá tầm trăm triệu đô rồi.

Từ năm 2013, với mảng chia sẻ xe cá nhân, chúng tôi đã thu hút tầm hơn 12.000 thành viên với những chuyến thành công tầm 14.000 km. So với kỳ vọng, đây là kết quả tương đối hạn chế vì để hệ thống này vận hành hiệu quả, số lượng chuyến đi khớp phải rất cao. Chúng tôi kỳ vọng đạt 100.000 thành viên trong vòng 2 năm nữa.

Một dịch vụ đơn giản để có nguồn thu duy trì và vận hành hệ thống là kết hợp với hãng vận tải. Hiện có khoảng gần 100 chuyến/ngày ra sân bay. Đối với dịch vụ này, hãng sẽ chi trả chúng tôi một phần phí khi tạo doanh thu cho hãng cao hơn mức bình thường.

Đến hết năm nay, chúng tôi dự định mở rộng ra 4 sân bay ở Việt Nam và tất cả các sân bay ở Việt Nam trong năm 2015.

Anh kỳ vọng gì về dịch vụ chia sẻ phương tiện cá nhân trong những năm tới?

Tầm nhìn của chúng tôi không chỉ là những sản phẩm dịch vụ mà phải biến việc đi chung xe thành văn hóa di chuyển mới ở Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng trong 5-6 năm tới có thể làm được việc này. Nghĩa là, thay vì ra đường chỉ nghĩ đến các phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng, mọi người có thể lựa chọn một dịch vụ mới là đi chung với người khác. Đấy là những tương tác xã hội rất tích cực. Mọi người cùng nhau đóng góp vì cộng đồng của mình, thay vì tương tác ảo như hiện tại (suốt ngày sử dụng facebook,… không thực tế gì cả).

Làm thế nào thuyết phục được mọi người sử dụng dịch vụ Đi Chung?

Mình không dùng từ “thuyết phục” ở đây, vì mình thiết kế ra một dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhiều người, từ đó người ta sẵn sàng trả tiền hơn là việc tự nguyện hay làm thiện nguyện gì đấy. Sản phẩm tốt chưa đủ, bạn phải tập hợp những người có kỹ năng liên quan đến marketing, bán hàng để đưa sản phẩm ra thị trường.

Cảm ơn anh.

http://www.hoclamgiau.vn/news/online/3323/CEO-Dichungvn-Mieng-banh-di-chung-taxi-tri-gia-tram-trieu-USD

Taxi sân bay toàn quốc

Taxi Nội Bài

Taxi Tân Sơn Nhất

Taxi Phú Quốc

Taxi Đà Nẵng

Taxi Phú Bài

Scroll to Top