Giao lưu trực tuyến với startup ĐI CHUNG – Giải pháp đi lại đột phá trong thời đại mới

(VTC News) – Từ 9h sáng ngày 23/7/2017, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến nhằm giới thiệu dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ giao thông vận tải có tên là Đi chung – giải pháp đi lại thông minh trong thời đại mới.

Tham dự giao lưu trực tuyến có ông Nguyễn Thành Nam, CEO công ty Đi chung và ông Đặng Vũ Tuấn, Thường vụ Hội truyền thông số VN, Phụ trách Công nghệ thông tin.

9h: Buổi giao lưu bắt đầu.

1. Độc giả Hoàng An (30 tuổi, Hải Phòng): Dịch vụ đi chung xe ra đời từ bao giờ? Nguyên nhân từ đâu khiến ông đưa ra ý tưởng về loại hình dịch vụ này?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Dịch vụ đi chung xe bắt đầu từ năm 2013. Dịch vụ này được bắt đầu từ việc người sáng lập "Đi chung" hay đi lại về quê thăm nhà ở Hải Phòng, tôi quan sát rất nhiều xe cá nhân đi về có chỗ trống mà người khác phải đi lại bằng những tàu xe khác khá chật chội và khó chịu, từ đó tôi chợt nghĩ ra ý tưởng này.

Đó là là phải làm ra một website để mọi người chia sẻ chỗ trống các phương tiện cá nhân cho nhau. Nếu sử dụng việc đi chung sẽ giúp cho người đi lại được thuận tiện, người đi thì cũng được rẻ mà người chủ phương tiện cũng tiết kiệm được chi phí xăng xe.

CEO Đi Chung tham gia giao lưu trực tuyến

 Ông Nguyễn Thành Nam, CEO công ty Đi chung, tham gia buổi giao lưu trực tuyến

2. Độc giả Thu Hoài (33 tuổi, Nghệ An): Theo ông, khi người dân sử dụng dịch vụ Đi chung sẽ đem lại những hiệu quả và lợi ích về kinh tế, xã hội như thế nào?

Ông Đặng Vũ Tuấn (Thường vụ Hội truyền thông số VN): Theo chúng tôi hiểu người dân sử dụng dịch vụ đi chung sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội, cụ thể:

Về kinh tế: Sẽ giúp tiết kiệm bằng việc đi chung xe, khai thác chỗ trống trên phương tiện, từ đó giảm số lượng phương tiện lưu hành trên đường, giảm ùn tắc giao thông.

Về xã hội: Tạo ra tính cộng đồng, tính chia sẻ, gắn bó quan hệ giữa con người với con người với nhau, sẽ thân thiện hơn.

Ông Đặng Vũ Tuấn tham gia giao lưu

 Ông Đặng Vũ Tuấn (Ủy viên thường vụ Hội truyền thông số VN) tham gia buổi giao lưu trực tuyến

3. Độc giả Quang Minh (41 tuổi, Hà Nội): Việc sử dụng dịch vụ Đi chung có tác dụng nâng cao đời sống, văn minh đô thị như thế nào?

Ông Đặng Vũ Tuấn (Thường vụ Hội truyền thông số VN): Các bạn biết hiện nay xu hướng của thế giới xây dựng các đô thị thông minh smartcity, hướng tới đô thị thông minh bền vững, trong đó có một thành phần quan trọng là giao thông thông minh.

Và giao thông thông minh chắc chắn phải sử dụng hệ thống CNTT để khai thác tối ưu các phương tiện giao thông như tôi đã trao đổi.

Hiển nhiên, khi xây dựng hệ thống giao thông thông minh, người dân sẽ đi lại rất thuận tiện, nhanh chóng, đó là mong muốn và ước mơ của tất cả người dân ở bất cứ đô thị nào. Nói rộng hơn, đô thị giao thông thông minh như vậy cùng hỗ trợ người dân, chỉ cần đi bộ trong bán kính vừa phải là có phương tiện hỗ trợ. Từ tàu điện, ô tô, xe điện, trong đó, đi chung ô tô cũng là một giải pháp giúp chúng ta thuận tiện trong đi lại.

4. Độc giả Nguyễn Hùng (33 tuổi – Nam Định): Dịch vụ đi chung có những điểm gì nổi bật và khác biệt so với các dịch vụ vận chuyển truyền thống?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): So với di chuyển của phương tiện truyền thống: Các phương tiện truyền thống công cộng như xe bus, tàu hỏa, xe khách,… những phương tiện này khá rẻ song lại tạo cảm giác không thoải mái cho hành khách. Ngược lại, những phương tiện cá nhân như: ô tô riêng, taxi lại tạo cảm giác thoải mái cho hành khách nhưng chi phí lại đắt đỏ. Hình thức đi chung xe là thứ ba, mang tính chất trung gian, vừa tạo ra cảm giác thoải mái lại vừa vẫn tiết kiệm được chi phí đi lại.

Ngoài ra, việc đi chung xe cũng tạo ra cơ hội để giao lưu, gắn kết những người lạ với nhau, tạo ra những cơ hội làm quen và hình thành nên những mối quan hệ xã hội.

CEO Nguyễn Thành Nam

5. Độc giả Giáng Hương (25 tuổi – TP.HCM): Từ khi ra đời dịch vụ, đâu là những khó khăn mà công ty phải đối mặt trong quá trình vận hành?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Sau khoảng 4 năm triển khai hoạt động, một trong những khó khăn gặp phải là văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung còn e ngại với người lạ. Các giải pháp đi chung xe hầu như không phát triển mạnh ở Châu Á, kể cả tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Với cương vị là một đơn vị khởi nghiệp, với nguồn lực có hạn trong khi phải tạo ra một thói quen tiêu dùng mới cho khách hành là một thách thức rất lớn.

Ngoài ra, về nhân sự phát triển dự án, rất khó khăn để tìm kiếm và duy trì được nhân sự mà họ thực sự muốn tham gia một dự án mang tính chất cộng đồng do ngân sách eo hẹp để chi trả lương, thưởng…

6. Độc giả Minh Hiếu (35 tuổi, Phú Thọ): Tôi được biết, một trong những lợi ích lớn nhất của dịch vụ này đó là bảo vệ môi trường, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không?

Ông Đặng Vũ Tuấn (Thường vụ Hội truyền thông số VN): Như các bạn đã biết, đi chung sử dụng tối ưu phương tiện, giảm số lượng phương tiện, giảm số lượng khí thải, mà khí thải của các phương tiện giao thông thì gây tác động xấu cho môi trường, các thành phố lớn.

Hà Nội đang có khoảng 6,2 triệu phương tiện hoạt động, chúng ta có khoảng 10 triệu dân và khách vãng lai, những con số đó chứng minh trên thực tiễn rằng chỉ số về chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức báo động rất nhiều lần.

Giải pháp đi chung xe chắc chắn giảm thiểu khí độc hại môi trường ở các siêu đô thị đông đúc như Hà Nội, TP.HCM,…

7. Độc giả Quốc Tuấn (37 tuổi, Quảng Ninh): Ông đánh giá sự phát triển của dịch vụ này có phù hợp với những xu hướng dịch vụ hiện đại của thế giới không?

Ông Đặng Vũ Tuấn (Ủy viên thường vụ Hội truyền thông số VN): Dịch vụ đi chung này hiện nay cũng là xu hướng của phát triển giao thông theo mô hình chia sẻ trên thế giới.

Cho dù ở quốc gia này hay quốc gia kia có sự khác biệt, nhưng dịch vụ như thế này đang phát triển một cách mạnh mẽ như Uber hay Grab, dịch vụ đi chung cũng tương tự.

Chắc chắn trong mô hình đối với hệ thống giao thông tương lai, chắc chắn phải dựa trên nền tảng điều khiển khai thác tối ưu bằng các hệ thống CNTT, tương tự bài toán đồ thị trong Toán học, lấp đầy các tuyến đi, khả năng cung ứng số ghế của các phương tiện trên tuyến đường,… Các hệ thống mô hình đi chung thì đều được định hướng theo ý tưởng này.

8. Độc giả Văn Trinh (45 tuổi , Hải Dương): Ông đánh giá như thế nào về thực tiễn giao thông truyền thống và giao thông công nghệ tại thị trường Việt Nam hiện nay?

Ông Đặng Vũ Tuấn (Thường vụ Hội truyền thông số VN): Theo quan điểm của chúng tôi, gọi là giao thông truyền thống và giao thông công nghệ vẫn chưa chính xác. Bản chất của giao thông công nghệ vẫn như vậy, vẫn là một chiếc xe ô tô hay chiếc tàu chở ngần ấy con người.

Hiện nay, dùng các hệ thống công nghệ để khai thác tối ưu các phương tiện giao thông, và cũng như tôi nói ở trên, với một bài toán với số lượng phương tiện cực lớn như vậy, hệ thống hạ tầng còn nhiều bất cập chưa đáp ứng và lại rất phức tạp, đường thì giao cắt nhiều, chật hẹp,… thì để giải quyết vấn đề giảm phương tiện giao thông lưu hành và khai thác tối ưu các phương tiện đó chắc chắn phải dùng giải pháp CNTT.

Cho dù là một hãng vận tải theo phương thức truyền thống hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ phương tiện giao thông thì vẫn theo xu hướng này cả.

Đối với Việt Nam, là một nước đông dân, chúng ta sẽ có những siêu đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, thì bài toán giao thông tối ưu là bài toán mà các nhà quản lý và các doanh nghiệp luôn phải giải quyết để đáp ứng cho cộng đồng.

9. Độc giả Hoài Thương (31 tuổi, Huế): Ông đánh giá như thế nào về những chính sách của nhà nước hiện nay trong lĩnh vực CNTT ứng dụng vào Giao thông vận tải?

Ông Đặng Vũ Tuấn (Thường vụ Hội truyền thông số VN): Nhà nước thì luôn luôn lấy định hướng xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, mục tiêu phục vụ nhân dân là quan trọng nhất.

Hiện nay Nhà nước cũng định hướng để xây dựng được những thành phố thông minh trong đó có cấu thành thành phần giao thông thông minh. Và chắc chắn Nhà nước là người chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý, giám sát các doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ giao thông cũng như những dịch vụ về CNTT trong ngành giao thông.

Nhà nước rất khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và vận hành các hệ thống CNTT cung cấp các dịch vụ để hỗ trợ cho vấn đề giao thông của các đô thị lớn. Theo chúng tôi biết, hiện nay đa số các tỉnh và thành phố ở nước ta đang rất quyết liệt triển khai thực hiện xây dựng các đô thị thông minh, bao gồm giao thông thông minh tại các tỉnh thành và địa phương

10. Độc giả Công Minh (29 tuổi, Quảng Nam): Ông có đề xuất thêm những ưu đãi gì từ phía Hiệp hội truyền thông số hay các Doanh nghiệp công nghệ khác đối với dịch vụ Đi chung?

Ông Đặng Vũ Tuấn (Thường vụ Hội truyền thông số VN): Hiệp hội Truyền thông số là hiệp hội tổ chức nghề nghiệp. Đây cũng là nơi tập hợp và đại diện cho tất cả những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông số. Truyền thông tức là chuyển thông tin đến với cộng đồng và trong thời đại hiện nay phải dựa trên nền tảng công nghệ số.

Với định nghĩa và vai trò như vậy thì Hiệp hội Truyền thông số chắc chắn có tham gia vào sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho lợi ích cộng đồng như là dịch vụ đi chung bằng các hoạt động truyền thông.

11. Độc giả Giáng Hương (25 tuổi, TP.HCM): Từ khi ra đời dịch vụ, đâu là những khó khăn mà công ty phải đối mặt trong quá trình vận hành?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Sau khoảng 4 năm triển khai hoạt động, một trong những khó khăn gặp phải là văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung còn e ngại với người lạ. Các giải pháp đi chung xe hầu như không phát triển mạnh ở Châu Á, kể cả tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Với cương vị là một đơn vị khởi nghiệp, với nguồn lực có hạn trong khi phải tạo ra một thói quen tiêu dùng mới cho khách hành là một thách thức rất lớn.

Ngoài ra, về nhân sự phát triển dự án, rất khó khăn để tìm kiếm và duy trì được nhân sự mà họ thực sự muốn tham gia một dự án mang tính chất cộng đồng do ngân sách eo hẹp để chi trả lương, thưởng…

12. Độc giả Cao Cường (45 tuổi, Thái Nguyên): Khách hàng đã có những phản ánh và nhận xét như thế nào sau khi sử dụng dịch vụ đi chung?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Đối với khách hàng trẻ thì họ đón nhận dịch vụ rất tích cực vì đây là dịch vụ mới thân thiện với môi trường và tạo cho họ cơ hội kết bạn. Còn đối với những khách hàng làm việc ở các công sở, thì động lực về tiết kiệm chi phí mới là những động lực lớn nhất để họ tham gia dịch vụ này.

Sau khi sử dụng dịch vụ thì các khách hàng có những đánh giá tích cực về yếu tố giúp họ tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, họ cũng góp ý là cần cải thiện công nghệ ghép khách để tiết kiệm thời gian di chuyển cũng như mở rộng số lượng khách hàng để có thể ghép được khách hàng ở gần khu vực sinh sống của họ.

Khách hàng cũng yêu cầu có thể sử dụng dịch vụ ở trên nhiều kênh, không chỉ là ở trên website và ứng dụng di động mà còn là các kênh truyền thống khác như tổng đài…

13. Độc giả Hoàng Trang (32 tuổi, Bắc Ninh): Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của dịch vụ này trong tương lai?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung):Tiềm năng của dịch vụ đi chung xe rất lớn, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao những dịch vụ tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Dịch vụ này đặc biệt rất phù hợp với các nhu cầu đi lại đường dài như là vận chuyển ra sân bay, về quê, du lịch…

Hiện tại có khoảng 60.000 người đi lại sân bay hàng ngày, 700.000 lượt người di chuyển giữa các tỉnh mỗi ngày, 60.000.000 lượt khách du lịch đi lại trong nội địa/năm. Đây là một thị trường rất tiềm năng mà dịch vụ đi chung xe có thể khai thác.

14. Độc giả Trung Hưng (28 tuổi, Khánh Hòa): Hiện dịch vụ này đang nhắm tới thị trường và khách hàng là những đối tượng nào?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Dịch vụ đi chung xe phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng trẻ độ tuổi từ 18 – 40, sẵn sàng thử nghiệm dịch vụ mới mang tính chất chia sẻ và có khả năng sử dụng công nghệ như internet, smartphone…

Thị trường của chúng tôi hiện tại là dịch vụ đi lại đường dài như sân bay, về quê, đi du lịch, tuy nhiên trong tương lai chúng tôi sẽ cung cấp các giải pháp đi chung xe cho quãng đường ngắn hơn như đi học, đi làm, đi dự sự kiện…

15. Độc giả Nguyễn Hoa (42 tuổi, Hà Nội): Để phát triển mạnh dịch vụ này, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ như thế nào từ phía cơ quan quản lý Nhà nước?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Dịch vụ đi chung xe là dịch vụ có ích cho những người tiêu dùng cũng như xã hội nên Chính phủ các nước trên thế giới rất khuyến khích phát triển dịch vụ này bằng nhiều cách khác nhau về chính sách cũng như hạ tầng giao thông.

Ví dụ như xây dựng những địa điểm tập trung cho những người đi chung xe, hỗ trợ chi phí đỗ xe cho những xe đi chung, thiết lập làn đường riêng ưu tiên, bắt buộc xe khi đi vào khu vực trung tâm phải có ít nhất từ 3 người trở lên…

Chúng tôi cũng kì vọng cơ quan nhà nước, đặc biệt là các bộ, ngành giao thông nhìn nhận giá trị tích cực của giải pháp đi chung xe so với các giải pháp giảm ùn tắc giao thông khác như thay đổi giờ làm, hạn chế phương tiện cá nhân… để có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho việc đi chung xe trở thành phổ biến.

Hiện tại các phương tiện công cộng đang tốn kém rất nhiều ngân sách nhưng chỉ phục vụ được nhu cầu đi lại của những người thu nhập thấp trong khi có quá nhiều phương tiện cá nhân đăng ký lưu hành. Nếu có chính sách phù hợp để khuyến khích đi chung xe thì số lượng phương tiện cá nhân lưu hành sẽ giảm bớt và người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn để đi lại ngoài phương tiện công cộng và xe cá nhân.

16. Độc giả Tuấn Hải (50 tuổi, Hà Nội): Tôi được biết đây là công ty khởi nghiệp còn khá trẻ, ông có mong muốn được kết hợp với doanh nghiệp hay nhà đầu tư/ quỹ đầu tư trong quá trình phát triển hay không?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Kể từ khi thành lập, chúng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước như CSIP, UNDP, VCIC…

Các tổ chức này hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến cộng đồng và môi trường. Họ hỗ trợ chúng tôi cả về tài chính lẫn xây dựng tổ chức. Hiện tại chúng tôi đã đến giai đoạn tăng trưởng và cần bổ sung nhiều nguồn lực tài chính để mở rộng, vì vậy chúng tôi cũng đang tìm kiếm những nhà đầu tư hoặc đối tác phù hợp.

Tiêu chí để nhà đầu tư phù hợp với chúng tôi không chỉ mang đến giá trị tài chính mà còn mang đến những giá trị khác như liên quan đến mảng kinh doanh cũng như những kỹ năng phát triển doanh nghiệp ra phạm vi quốc tế.

17. Độc giả Hà Thành (32 tuổi, Nam Định): Uber, Grab đang bị coi là nguyên nhân tiêu cực gây ảnh hưởng tới sự phát triển, tồn tại của các doanh nghiệp vận tải truyền thống. Liệu với sự phát triển của xu hướng đi chung, các hình thức đi xe riêng, cá nhân sẽ không còn tồn tại?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Trên phạm vi toàn cầu, ngành taxi truyền thống đang ngày càng mất đi thị phần vào các công ty công nghệ vận chuyển như Uber, Grab.

Thông qua công nghệ, các hãng này cung cấp các giá trị tốt hơn cho khách hàng như chi phí, sự tiện lợi trong khi chi phí vận hành doanh nghiệp lại rất tiết kiệm và hiệu quả so với cách làm truyền thống. Điều này bắt buộc các hãng taxi cũng phải nâng cấp công nghệ để tồn tại… Nhiều hãng taxi được nâng cấp công nghệ sẽ có khả năng cạnh tranh vì họ hiểu ngành kinh doanh vận chuyển

Tôi nghĩ rằng trên thị trường sẽ tồn tại các dịch vụ đi lại khác nhau, trong đó có cả các dịch vụ taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Còn đối với dịch vụ đi chung xe, có một dự báo cho rằng tương lai của vận chuyển trong đô thị sẽ là xe tự lái kết hợp với đi chung xe. Việc sở hữu xe cá nhân sẽ không phổ biến, đặc biệt là đối với những người tiêu dùng trẻ.

18. Độc giả Hồng Hạnh (52 tuổi, TP.HCM): Theo ông, lợi ích về kinh tế mà các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư sẽ đạt được khi đầu tư vào dịch vụ này là gì?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Các doanh nghiệp phát triển dịch vụ đi chung xe đang cung cấp một lựa chọn di chuyển mới cho người dân. Sự lựa chọn này vừa tiết kiệm, vừa thân thiện với môi trường, do đó nó sẽ là một xu hướng mới, ngày càng đạt được thị phần lớn trong tương lai

Theo dự báo, dịch vụ đi chung xe sẽ trở thành dịch vụ đi lại chính trong tương lai, do đó các nhà đầu tư vào loại hình này sẽ được hưởng lợi khi các doanh nghiệp đi chung xe trở thành doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường.

19. Độc giả Đinh Tùng (29 tuổi, Thanh Hóa): Điểm tự tin khi công ty Đi chung cạnh tranh với Uber, Grab là gì?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Chúng tôi xây dựng công ty nhằm mục đích biến việc đi chung xe trở thành phổ biến và áp dụng cho các nhu cầu đi lại khác nhau trong cuộc sống. Chúng tôi không xem Uber, Grab là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác tiềm năng khi họ giải quyết được những vấn đề liên quan đến pháp lý để hoạt động tại thị trường Việt Nam. 

Việc Uber, Grab cũng tham gia cung cấp dịch vụ đi chung trong thành phố là một tín hiệu tích cực để người dân quen sử dụng dịch vụ này họ có thể sử dụng dịch vụ của chúng tôi cho các nhu cầu khác như đi lại đường dài, tất nhiên các hãng Uber, Grab cũng có thể tham gia thị trường đường dài và chúng tôi sẽ tham gia thị trường đi lại trong phố. Khi đó, sẽ có sự trùng lặp về thị trường.

Tuy nhiên chúng tôi tin tưởng rằng sự cạnh tranh và hợp tác để cùng tạo ra giá trị cho khách hàng sẽ giúp cả ngành kinh doanh này phát triển và tạo ra lợi ích cho toàn xã hội.

20. Độc giả Tuấn Anh (27 tuổi, Hà Tĩnh): Hà Nội vừa cấm triển khai dịch vụ đi chung xe của Grab và Uber, điều đó liệu có ảnh hưởng gì tới công ty của anh không vì hình thức kinh doanh của mình cũng tương tự?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Việc cấm dịch vụ đi xe chung của Uber, Grab không ảnh hưởng gì đến hoạt động của chúng tôi. Mô hình hoạt động của chúng tôi là kết hợp với các hãng vận chuyển có giấy phép như hãng taxi chứ không phải là các tài xế cá nhân như Uber, Grab.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, tôi không ủng hộ việc cấm này vì dịch vụ đi chung xe ở trong phố của Uber, Grab cũng giúp khách hàng tiết kiệm chi phí và giảm ùn tắc giao thông. Đây là những dịch vụ tốt mà Nhà nước nên khuyến khích phát triển bằng cách đưa ra chính sách quản lý phù hợp hơn.

Dịch vụ cần cấm là những dịch vụ đi xe riêng của Grab và Uber cạnh tranh trực tiếp với các hãng taxi. Những dịch vụ này đang gây sức ép lên hạ tầng giao thông và là một trong những nguyên nhân gây tắc đường.

Thông qua các hình thức trợ giá và khuyến khích của Uber, Grab, hiện nay có nhiều tài xế tham gia lái dịch vụ này trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng được lượng xe tăng trưởng đột biến như vậy.

Ít nhất nếu nhà nước cho phép triển khai thì cũng nên giới hạn số lượng xe trong quy hoạch giao thông và đảm bảo các hãng xe như Uber, Grab cạnh tranh lành mạnh với các hãng taxi thông qua cơ chế thị trường cạnh tranh sòng phẳng với nhau như không được trợ giá, quy định tham gia giao thông như nhau…

21. Độc giả Phan Anh (35 tuổi, Hà Nội): Trên website của công ty, anh nói hành khách sẽ tận hưởng chuyến đi an toàn và tiết kiệm. Tiết kiệm thì đúng rồi. Nhưng còn an toàn thì sao? Ai đảm bảo tính an toàn cho hành khách? Công ty có chịu trách nhiệm gì không nếu có rủi ro xảy ra cho khách hàng?

Ông Nguyễn Thành Nam (CEO công ty Đi chung): Chúng tôi cung cấp những lựa chọn dịch vụ khác nhau như: dịch vụ đi chung xe cá nhân, dịch vụ đi chung xe taxi. Đối với dịch vụ đi chung xe cá nhân, chúng tôi cung cấp các tiện ích để mọi người kiểm chứng về mức độ uy tín của những người cùng đi để đảm bảo sự an toàn khi mọi người đồng ý đi chung với nhau.

Đây là một dịch vụ miễn phí cho cộng đồng và chúng tôi chỉ đóng vai trò cung cấp tiện ích để mọi người có thể kết nối với nhau dễ dàng hơn. Việc lựa chọn đi chung xe với người khác là do khách hàng tự quyết định và họ tự chịu trách nhiệm đối với quyết định của họ.

Còn đối với dịch vụ đi chung xe taxi, đây là dịch vụ được cung cấp bởi các công ty vận chuyển chuyên nghiệp, họ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách của mình như các hãng vận chuyển khác như đi tàu hỏa, xe khách, máy bay.

Qua buổi giao lưu trực tuyến, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng với startup Đi chung để nhân rộng, phát triển các dịch vụ đi chung xe, góp phần phát triển cơ sở kinh tế xã hội.

Tham dự giao lưu trực tuyến có ông Nguyễn Thành Nam, CEO công ty Đi chung và ông Đặng Vũ Tuấn, Ủy viên thường vụ Hội truyền thông số VN, Phụ trách mảng Công nghệ thông tin.

Được biết, đi chung xe là giải pháp đi lại đã được áp dụng từ lâu trên thế giới, phát triển mạnh ở khu vực Châu Âu. Đi chung xe có 3 lợi ích chính là giảm lưu lượng xe tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí đi lại cho khách hàng và giảm thiểu khí CO2 thải ra cho môi trường.

Công ty cổ phần Đi chung là một doanh nghiệp xã hội thành lập từ 2013 bởi CEO Nguyễn Thành Nam. Theo đó, Đi chung tập trung phát triển các giải pháp và dịch vụ đi chung xe khác nhau trên nền tảng trực tuyến và di động bao gồm đi chung xe cá nhân, đi chung xe taxi và đi chung xe chuyên nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, website dichung.vn là một thị trường trực tuyến nơi mọi người chia sẻ hoặc mua bán những chỗ còn trống trên phương tiện. Những người tham gia giao thông có chung điểm đi, điểm đến, thời gian giống hoặc gần giống nhau có thể đi chung với nhau bằng cách chia sẻ những chỗ còn trống đó.

Ông Nguyễn Thành Nam và nhóm cộng sự

Hiện nay dịch vụ chính mà công ty cung cấp đến cho khách hàng là đi chung xe taxi, xe hợp đồng đưa đón sân bay và đường dài khắp cả nước được cung cấp trên trang dichungtaxi.com. Anh Nam và các cộng sự đã tập trung tất cả nguồn lực của công ty để phát triển dịch vụ này trên toàn lãnh thổ Việt Nam: tính đến đầu năm 2017, dichungtaxi.com đã phủ sóng trên 20 sân bay và 40 thành phố trên toàn quốc…

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác đang được dư luận quan tâm như việc khẳng định lợi ích kinh tế/xã hội khi sử dụng dịch vụ, nâng cao đời sống, văn minh đô thị, tác dụng bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp nên đầu tư vào lĩnh vực này vì những lợi ích kinh tế, xu hướng của thế giới, thực tiễn tại thị trường trong nước, định hướng phát triển dịch vụ, triển vọng tại VN, các chính sách của nhà nước trong lĩnh vực CNTT và giao thông, đề xuất có những ưu đãi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội,…

Nguồn: VTC News (vtc.vn)

Taxi sân bay toàn quốc

Taxi Nội Bài

Taxi Tân Sơn Nhất

Taxi Phú Quốc

Taxi Đà Nẵng

Taxi Phú Bài

Scroll to Top