Những lễ hội lớn trong tháng 2 âm lịch ở Việt Nam

Những Lễ Hội Lớn Trong Tháng 2 Âm Lịch Ở Việt Nam

Đầu năm đi lễ hội, đền chùa là một phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam bao đời nay. Lễ hội vừa là sự tiếp nội những giá trị văn hóa truyền thống từ cha ông, vừa là một hoạt động tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam. Hãy cùng Dichungtaxi.com điểm qua những lễ hội lớn đặc sắc diễn ra trong tháng 2 Âm Lịch.

>> Xem thêm: những lễ hội lớn nhất ở Việt Nam trong tháng 3 âm lịch

Hội Chùa Trầm (2/2 Âm lịch)

Hội chùa Trầm - Lễ hội lớn tháng 2 Âm lịch

Chùa trầm là một quần thể gồm 3 ngôi chùa: Chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi, được xây dựng trên núi Trầm (còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được xây dựng vào thể kỷ 16 do một vị tướng sau khi xuất gia lập nên. Xưa kia, đây là nơi hành cung của vua Lê, chúa Trịnh với lợi thế phong cảnh yên bình, thanh tịnh của sông Đáy, núi Trầm.

Vào dịp lễ hội, du khách về dự có tới hàng nghìn người. Núi Trầm là một địa điểm du lịch quan trọng trên bản đồ Hà Nội, là một địa chỉ văn hóa – lịch sử thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội kén rể (2/2 Âm Lịch)

Lễ hội Kén rẻ làng Đường Yên -  Lễ hội lớn tháng 2 âm lịch

Lễ hội kén rể làng Đường Yên là một trong những lễ hội dân gian độc đáo của vùng Kinh Bắc ngày xưa nói chung và huyện Đông Anh ngày nay nói riêng. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ ngày sinh của bà Lê Hoa, một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Lễ hội mô phỏng theo sự kiện bà kén người tài làm chồng sau khi thắng giặc về làng.

Theo truyền thuyết dân gian và thần phả của đình thì làng Đường Yên thờ bà Lê Hoa – một nữ tướng của Hai Bà Trưng và là người có công chữa bệnh cho dân làng Đường Yên, được dân làng thờ phụng.

Lễ hội Kén rẻ được tổ chức từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 tháng 2, tuy nhiên mùng 2/2 là ngày chính hội với nhiều hoạt động đặc sắc.

Hội miếu Ông Địa (2/2 Âm lịch)

Hội miếu Ông Địa

Miếu Ông Địa được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 và từng được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852. Hàng năm lễ hội diễn ra vào ngày 2/2 âm lịch là ngày vía Thổ địa Phúc Đức Chính Thần. Đây là lễ hội tiêu biểu cho các lễ hội miếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam bộ với các nghi thức: “gióng trống khai trang” thông báo vào lễ, “mời trầu” bằng điệu hát bóng rỗi để thỉnh thần về dự lễ, diễn tuồng hài “Địa Nàng” với nhân vật ông Địa và nàng tiên mang nội dung phê phán thói hư tật xấu trong xã hội hương thôn xưa. Sau đó là màn diễn múa mâm vàng, mâm bạc và múa đồ chơi do các nghệ nhân dân gian trình diễn. Kết thúc hội là nghi thức phát lộc.

Lễ hội Nghinh Cô Long Hải (10-12/2 Âm lịch)

Lễ hội Nghinh Cô Long Hải (Lễ Giổ Cô) là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân ven biển Nam Bộ. Lễ hội kết hợp giữa lễ hội Cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Thủy Long, Cá voi) và tín ngưỡng thờ Mẫu – Nữ thần của dân cư địa phương. Hàng năm lễ hội được tổ chức từ ngày 10-12/2 âm lịch tại Dinh Cô (năm trên triền núi Thùy Vân, thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nhằm tưởng nhớ Cô, tức “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”.

Lễ hội Nghinh Cô Long Hải - Lễ hội lớn tháng 2 Âm lịch

Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Nghinh Cô Long Hải, bên cạnh các nghi lễ chính, còn có nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc như: biểu diễn lân-sư-rồng, chầu mời, múa bông, dâng lộc, dâng mâm vàng, mâm bạc, hát tuồng, hát bội…

 Lễ hội Tây Thiên (15/2 Âm lịch)

Lễ hội Tây Thiên diễn ra tại đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên vào ngày rằm tháng 2 âm lịch hàng năm. Quốc mẫu tên thật là Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp Vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, phát triển nông nghiệp. Xong công việc, Bà lại trở về quê hương tại thôn Đông Lộ – xã Đại Đình – huyện Tam Đảo ngày nay, rồi “hoá” tại đây. Bao đời nay, các triều đại phong kiến từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong Người là: Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế.

Lễ hội Tây Thiên - Lễ hội tháng 2 Âm lịch

Tây Thiên – Tam Đảo là quần thể danh thắng nổi tiếng một vùng, bởi lẽ nơi đây hội tụ cả 3 yếu tố: Tâm linh – tín ngưỡng và cảnh quan thiên nhiên. Chính vì vậy không chỉ mùa lễ hội, mà Tây Thiên thu hút du khách thập phương quanh năm. Những ngày nghỉ hè nóng bức, hàng đoàn học sinh, sinh viên đến với Tây Thiên để được lội suối, leo núi và ngắm cảnh rừng nguyên sinh.

 Lễ hội Quán Thế Âm (19/2 Âm lịch)

Lễ hội Quán Thế Âm - Lễ hội lớn tháng 2 âm lịch

Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hàng năm tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Lần đầu tiên lễ hội này được tổ chức vào năm 1960, nhân ngày khánh thành tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở động Hoa Nghiêm thuộc ngọn Thủy Sơn, phía tây Ngũ Hành Sơn. Hai năm sau, lễ hội được tổ chức nhân dịp khánh thành chùa Quán Âm ở động Quán Âm, là nơi phát hiện một khối thạch nhũ có hình tượng Phật bà Quán Thế Âm. Sau đó, vì nhiều lý do, lễ hội không được tổ chức trong một thời gian khá dài. Mãi đến ngày vía đức Phật bà Quán Thế Âm vào năm 1991 (19/2 năm Tân Mùi), Lễ hội Quán Thế Âm mới được khôi phục trở lại. Từ đó, hàng năm, cứ đến ngày 19/2 âm lịch, lễ hội lại được tổ chức với một quy mô ngày càng lớn và nội dung ngày càng phong phú hơn.
Với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao phong phú, Lễ hội Quán Thế Âm tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc VN. Đây thực sự là lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa hòa gió thuận; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày càng sống đẹp hơn.

Taxi sân bay toàn quốc

Taxi Nội Bài

Taxi Tân Sơn Nhất

Taxi Phú Quốc

Taxi Đà Nẵng

Taxi Phú Bài

Scroll to Top